Cho Bé ăn chung với người lớn

Nếu Bé lấy tay bốc một miếng cà rốt bỏ vào miệng ta tiếp tục đút cho Bé một muỗng cà rốt rồi chờ một chút xem Bé lựa thứ nào nữa và tiếp tục như thế mãi; nếu Bé từ chối thứ khác sau khi đã nếm thứ một chút là ta đã hiểu rằng Bé không ưa thích thứ đó. Tuy nhiên lối thử này hơi cầu kỳ. Ta có thế làm cho Bé một món thức ăn nào theo ý của ta, thí dụ bột gạo khuấy với nước thịt bò hầm, hột gà; rồi thấy Bé liên tiếp từ chối thì ta thay đổi thức ăn như cho ăn bột khuấy với cá, thịt chà bông hoặc các thứ bột pha sữa bán sản trên thị trường.
Từ hai năm trở đi ta có thể cho Bé ăn chung với người lớn nhưng nên làm thêm những thức ăn hợp với Bé. Có thể cho Bé ăn cơm nhưng nên nấu riêng biệt một nồi nhỏ; cho thêm nước hầm kỹ cho nhừ để dễ tiêu hóa. Người miền Nam ta nấu cơm thường cho nhiều nước rồi khi gạo sôi chắt bớt nước đổ đi như thế là một sai lầm đáng tiếc vì đã đổ đi bao nhiêu chất béo bổ của hạt gạo. Vậy nấu cơm cho Bé thì nên dùng gạo giã tay, cho nước vào nồi đun sôi, vo gạo cho sạch rồi đổ vào nôi nước sôi trên đợi cho tới khi cạn gần hết bớt lửa, để than nhỏ hầm cho thiệt chín nhừ. Cách nấu các đồ ăn phải tùy hoàn cảnh gia đình và trạng thái cũng như ý thích của Bé mà áp dụng một cách thông minh miễn sao cho Bé có đầy đủ chất bổ dưỡng. Những chất bổ là Prôtéines và Azotes có trong bánh mì, sữa, thịt, cá, trứng, đậu nành và các thứ đậu khác. Những chất muối khoáng (Sels minéraux) như Calcium, Phosphore, Sắt, Iode có trong rau tươi, trái cây, gan, tròng đỏ trứng. Sinh tố A có trong chất béo của sữa, tròng đỏ trứng, dầu gan cá thu, cà rốt, cà tô mách, chất này rất cần thiết cho các tế bào mắt, cuống phổi, ruột và đường tiểu. Sinh tố thuộc nhóm B như sinh tố B1, B2 có xuất hiện trong cơm, bánh mì, sữa, trứng, gan thịt; nếu ăn gạo giã kỹ hoặc đường trắng tinh thì sẽ thiếu sinh tố này; sinh tố B12 có nhiều trong gan bò, trong các chất men, loại sinh tố này cần thiết cho sự cấu tạo hồng huyết cầu và rất có lợi cho sự sinh trưởng của các tế bào óc.