Bé từ ba đến năm tuổi 8

Phải luôn luôn nhẹ nhàng dễ mến nhưng cương quyết, đừng dùng những lời lẽ thô tục, đừng cáu giận vô lý như thế dù bị la mắng trẻ nhỏ vẫn kính yêu ta.
Thường khi con cái chịu sự giáo dục của mẹ nhiều hơn vì mẹ nhiều thì giờ gần con hơn cha nhưng không phải vì vậy mà người cha lơ là với bổn phận của mình. Đứa trẻ ở tuổi này đã ý thức được thế nào là lầm lỗi nhưng nó cứ làm. Nếu người cha nhắm mắt bỏ qua trẻ sẽ mất sự kính yêu, trái lại người cha la mắng hợp lý trẻ sẽ cảm thấy có người hiểu và chú ý đến nó, tuy nghiêm khắc nhưng đừng dữ tợn, khắt khe. Điểm quan trọng là tuyệt đối cha mẹ đừng tỏ ra bất hòa trước mặt trẻ. Cha mẹ gây lộn trước mặt con sẽ làm mất hết sự kính phục của trẻ; nếu có sự bất đồng ý kiến chỉ nên bàn cãi những lúc vắng trẻ. Tối kỵ nhất là việc binh con khi người bạn đường của mình đang răn dạy nó. Nếu thấy vợ (hoặc chồng) nóng nảy có thể can thiệp nhưng bao giờ cũng dành lẽ phải cho người lớn (vợ hoặc chồng). Có thể nói rằng: “Con xin lỗi ba (hoặc má) đi rồi má xin ba tha cho”. “Để má xin lỗi ba giùm con, lần sau con đừng như vậy ba buồn”… Tuy nhiên nên tránh ít can thiệp càng tốt. Đứa trẻ được chiều chuộng thái quá sẽ chẳng bao giờ được sung sướng, đến tuổi đi học nó sẽ tiếp xúc với mọi người và sẽ bị ngỡ ngàng trước sự thật của cuộc đời, mọi người sẽ không ưa nó vì tính ích kỷ của nó, lúc đó nó sẽ hoặc là sống một cuộc đời cô độc hoặc là phải tập trở thành một kẻ biết điều, dễ mến. Đừng để cho trẻ có cơ hội lựa chọn nên đừng bao giờ hỏi trẻ “Con có muốn… (thế này thế nọ) không?” Vì như vậy những đứa trẻ cứng đầu bao giờ cũng trả lời ngược lại và ta phải mất công lý luận dài dòng đồng thời gây cho trẻ tính bướng bỉnh, lý sự. Nếu muốn cho Bé đi tiểu nên dắt bé ra sân, nếu muốn cho bé đi tắm khi bé đang chơi xe lửa thì nên bảo Bé rằng hãy lái xe lửa chạy ra bồn tắm, nếu Bé đang chơi búp bê thì bảo đến giờ rồi cho búp bê đi ngủ rồi đi ăn cơm v.v… Như thế ta sẽ tạo cho Bé một cơ hội vâng lời với thiện chí. Đừng lý luận với trẻ vì chỉ gợi thêm tính tò mò của nó.