Bé sử dụng tay

Bé tự thấy vừa đủ no nên rời vú Mẹ nhưng vẫn nhét tay vào miệng để mút, vì Bé tuy no nhưng mút chưa đã. Trường hợp này người Mẹ nên để cho trẻ nút vú đầu tiên lâu hơn một chút (15 phút) mặc dù vú này đã bớt sữa để làm thỏa mãn ý thích mà Bé không bị quá no; sau đó sẽ đổi qua vú khác.
Đối với trẻ nhỏ tháng bú bình mà mút tay sau khi đã bú cạn bình sữa rất mau chóng, nên để ý đến núm vú. Thử thay thế bằng những núm vú có lỗ nhỏ hơn để Bé (từ 3 tới 6 tháng) có thể bú hết bình trong 20 phút. Tuyệt đối không bao giờ cho Bé ngậm vú giả (Sucette) vì Bé sẽ không bỏ được thói quen, mút vú đó, răng sữa sẽ bị hư và nhất là mất vệ sinh vì đờm rãi, ruồi muỗi bám vào núm vú hoặc Bé có thể đánh rơi núm vú xuống bụi đất dơ bẩn …
Đối với những trẻ lên 1 hoặc 2 tuổi mới bắt đầu mút tay, nên để ý xem trẻ có điều gì thiếu thốn hoặc cần nâng đỡ vì cử chỉ đó có nghĩa là một sự tự an ủi. Có thể là trẻ đã bị cấm đoán, giam hãm trong cái giường chật hẹp, có thể là trẻ thèm muốn một cái đồ chơi của trẻ khác v.v… Nên quan sát đời sống tinh thần của trẻ làm cho nó lãng quên cái cử chỉ do trực giác thúc đẩy nó đưa ngón tay lên miệng. Thường thì Bé sử dụng tay mặt (tay phải) nhưng cũng có nhiều trẻ ưa thích sử dụng tay trái. Trong năm đầu tiên, trẻ không sử dụng nhất định một tay nào, có khi trẻ sử dụng tay trái trong vài tuần lễ, vài tháng rồi bỗng dùng lại tay mặt, đôi khi sử dụng cả hai tay một lúc. Thường tới 2 hoặc 3 tuổi trẻ mới quyết định sử dụng một tay nào. Thực ra, sự sử dụng tay trái hay tay phải không là điều đáng cho chúng ta phải quan tâm vì nó không hại gì đến tinh thần đứa trẻ. Nhiều nhà tâm lý học và Y học lại cho rằng nếu đứa trẻ phân vân thắc mắc về vấn đề sử dụng tay trái hay tay phải hoặc nếu cha mẹ bó buộc phải thay đổi cách sử dụng thì đứa trẻ đó nói lắp, (cà lăm) khi tập nói (xem bài trẻ nói lắp ở chương II). Do đó ta đừng nên bắt trẻ con phải theo ý kiến của ta về việc sử dụng tay trái hay tay phải mà hãy để mặc cho nó tự do lựa chọn. Tuy nhiên trên thực tế người ta sử dụng tay trái thường gặp nhiều điều phiền phức.