Trẻ từ một tới ba năm tuổi

Tất cả 14 động tác trên giúp cho trẻ nảy nở đều đặn, tránh những tật lưng còng, ngực lép, chân cong, xương sống vặn. Có thể tập không cần theo thứ tự kể trên, mỗi động tác làm từ 5 đến 10 lần và cần nhất tạo không khí cho Bé ưa thích.
Được quá 12 tháng, bé đã bắt đầu biết và rất ham thích quan sát rồi, mọi thái độ cũng bắt đầu thay đổi, từ cách ăn uống cho đến những phản ứng, những tình cảm và cách cư xử với người xung quanh. Khi Bé còn nhỏ xíu ta có thể tùy ý đặt Bé vào một nơi nào đó và chọn lựa đồ chơi cũng như đồ ăn uống cho Bé. Đến thời kỳ này Bé đã bắt đầu biết phản ứng chống đối mặc dù không phù hợp với ý kiến của chính Bé. Thí dụ ta đưa cho Bé một vật gì Bé đã biết lắc đầu tỏ vẻ từ chối trong khi tay lại đưa ra để cầm lấy đồ vật. Có nhiều đứa trẻ đến độ hễ hỏi đến bất cứ một cái gì cũng đều lắc đầu từ chối. Bé rất say mê quan sát và khám phá những cái mới lạ xung quanh Bé, chỗ nào Bé cũng mò tới, cái gì cũng rớ vào, Bé lục lạo hộc bàn hộc tủ, đẩy bàn đẩy tủ, đẩy bàn đẩy ghế, leo trèo khắp nơi. Đây chính là lúc Bé đang làm “thực nghiệm” trước khi tiến vào đời. Ta cũng không có cách gì và cũng chẳng nên tìm cách ngăn cản Bé, chỉ cố gắng làm sao tránh cho Bé những tai nạn rủi ro hoặc sợ hãi mà thôi. Từ 2 tuổi trở đi Bé đã học bắt chước những người xung quanh, Bé đã biết ru búp bê như Mẹ Bé ru em, theo Mẹ từng bước một khi mẹ quét nhà tay cầm cây que giả làm cây chổi v.v… Lúc này Bé thường cảm thấy cần tới sự giúp đỡ của Cha Mẹ cho nên ta thấy Bé bám sát lấy Mẹ khi có người lạ, nắm chặt lấy áo Mẹ khi đi dạo, nếu có ai hỏi đến thì Bé chạy đến nép sát vào lòng Ba; nếu có người thân như Ba, Má, vú em đi vắng lâu thì Bé tỏ ra khó chịu, băn khoăn. Ở lứa tuổi này Bé đem lại cho gia đình một nguồn vui lớn với những cử chỉ ngộ nghĩnh, những lời nói ngây thơ và dễ thương nhưng cũng là lúc các bà Mẹ phải thận trọng để tránh cho Bé những tai nạn có thể xảy ra.
Tránh tai nạn: Đã là tai nạn rủi ro thì khó lòng biết trước mà tránh, tuy nhiên nếu ta cố gắng đề phòng thì cũng có thể đỡ được đôi phần.