Trẻ tật nguyền

Nên nhớ rằng sự bất mãn đôi khi cũng là nguyên nhân gây mập phì cho trẻ và trẻ cảm thấy lẻ loi ở trong gia đình hoặc lo sợ khi tới trường vì bạn bè xa lánh hoặc bắt nạt, trẻ tìm sự an ủi trong việc ăn uống mà lại không hoạt động để tiêu số năng lượng thừa nên thành mập, trường hợp này nên chữa trị theo căn nguyên.
Trẻ tật nguyền: Trẻ có thể tật nguyền vì bẩm sinh, vì tai nạn hoặc vì một bệnh nan y. Trong mọi trường hợp chúng vẫn là những đứa trẻ đáng thương mà một sự đối xử khéo léo của các bậc cha mẹ cũng như mọi người xung quanh có thể làm chúng vơi bớt một phần tủi cực và vui lòng với số phận. Tật nguyền không phải là một tội, cũng không phải điều xấu xa khiến các bậc cha mẹ phải che đậy giấu giếm những người xung quanh. Đôi khi cha mẹ có con tật nguyền cũng cảm thấy khó chịu khi một người ngoài chú ý nhiều tới con mình. Thực ra mọi người không có ý niệm gì khác ngoài sự thương xót hoặc chỉ thỏa tính tò mò mà thôi. Các bậc cha mẹ thường có hai thái độ hoàn toàn khác biệt đối với đứa con tật nguyền: hoặc ghét bỏ và hắt hủi trẻ, hoặc chăm sóc và che chở quá mức, cả hai đều sai lầm cả. Loại người thứ nhất là những người nông cạn, thiếu sự công bình và lòng nhân ái nên đã trút tất cả những bực dọc lên đầu đứa trẻ vô tội đáng thương. Loại người thứ hai hành động hợp lý hơn, vì thấy con tàn tật yếu đuối nên họ đã nâng đỡ săn sóc con một cách quá mức vô tình đã gây cho trẻ tính tự ti mặc cảm. Cách đối xử tốt nhất là sự tự nhiên để trẻ quên đi một phần nào sự khác thường của chúng. Ta lấy ví dụ một đứa trẻ bị gãy cánh tay mặt. Nhờ thói quen trẻ này sử dụng cánh tay trái một cách khéo léo hơn người thường. Hãy để cho trẻ tự lo liệu lấy và chỉ giúp đỡ khi thấy thực sự cần thiết. Cha mẹ phải vui vẻ chịu đựng đừng cáu kỉnh, phàn nàn so sánh với trẻ khác hoặc anh chị em trong nhà, vô tình đã đào hố sâu chia rẽ giữa chúng và gieo vào đầu óc trẻ tính tự ti mặc cảm, trẻ sẽ không tìm cách để tự lo liệu lấy, bớt tính tháo vát mà nhiều suy tư. Đừng ngại ngùng mà cấm đoán không cho trẻ ra ngoài tiếp xúc với những vật xung quanh vì như vậy trẻ sẽ cảm thấy lạc lõng, lẻ loi và sợ hãi xã hội mà trẻ ít có cơ hội hiểu biết.