Các bà Mẹ Việt Nam khi cai sữa cho con

Sau chừng một tháng, khi đứa trẻ đã chịu bỏ vú Mẹ quen rồi thì có thể cho ăn thêm bột gạo quấy lẫn với hột gà, hoặc một vài loại bột sữa khác bán trên thị trường. Cũng có thể cho ăn cháo nấu loãng và nghiền nhỏ để lấy một thứ nước đặc nhuyễn mà thôi.
Nếu đến tháng thứ sáu mà người Mẹ thấy sữa đã lần lần bớt đi thì cai sữa rất dễ chịu vì sữa không làm căng vú nữa, hoặc giả có căng thì chỉ cho con bú ngày 1 hoặc 2 lần trong khoảng 5 hoặc 10 phút là đủ. Nếu tới tháng thứ 8 người Mẹ còn rất nhiều sữa thì khi cai sữa cũng thường rất khó vì bị nạn sữa căng. Trong những trường hợp này, nên áp dụng phương pháp nặn sữa như đã nói ở trên hoặc bằng tay hoặc bằng máy nút sữa.
Các bà Mẹ Việt Nam khi cai sữa cho con thường hay bôi thuốc đắng hoặc bôi dầu cù là vào núm vú để cho đứa trẻ khi ngậm vào vú sẽ bị cay hoặc đắng mà chán ghét và bỏ tính đòi vú Mẹ. Hành động này không phải là không có lợi, nhưng có thể cũng có hại vì khi bôi những loại thuốc đắng hoặc độc vào núm vú, làn da mỏng của núm vú có thể bị sưng và phản ứng. Hay nhất là tập cho con bú lần sang sữa bò rồi ăn bột hoặc cháo để cuối cùng bỏ hẳn việc bú vú Mẹ. Việc cai sữa cần được thực hiện có phương pháp và tuần tự không nên hấp tấp mà cũng không nên quá cứng rắn bắt buộc trẻ trong một vài ngày phải ngưng ngay sữa Mẹ. Bộ phận tiêu hóa của trẻ cũng luôn luôn cần một thời gian để thích nghi với sự thay đổi thức ăn từ sữa Mẹ qua sữa đặc có đường và các thức ăn bột hoặc lỏng. Một điểm nên ghi nhớ nữa là thường những bà Mẹ nuôi con bằng sữa mình đến tháng thứ 6 bắt đầu cai sữa hoặc cho con bú ít đi sẽ thấy có lại đường kinh như thường lệ.
Bình sữa nhân tạo đầu tiên cho Bé bú
Bình sữa nhân tạo đầu tiên cho Bé bú thường là 24 giờ sau khi sinh. Mỗi ngày phải cho Bé bú từ 6 đến 8 bình trong khoảng cách từ 3 đến 4 tiếng. Trong những ngày đầu, Bé sẽ bú rất ít, thường có khi chỉ từ 10 đến 15gờ-ram sữa. Các bà Mẹ không nên lo ngại khi thầy Bé bú rất ít. Tạo hóa đã phú cho Bé có đủ khả năng để biết mình phải bú bao nhiêu cho đủ.