Bé khóc không ngủ nữa

Cũng có đứa Bé chỉ ngủ khi cọ má vào một miếng nỉ cũ, khi miếng len bị dơ người ta đem giặt đi thế là Bé khóc không ngủ nữa. Xét kỹ ra người ta mới thấy rằng miếng nỉ đó là cái áo cũ của Mẹ nên mang theo hơi hướng Mẹ, đến khi giặt đi rồi thì hơi đã mất đi, Bé thấy thiếu Mẹ nên khóc. Một số các nhà Y học lại nghiệm thấy rằng núm vú dùi quá lớn nên không được nút thỏa thích. Khi nút Bé sẽ thở nhiều, dưỡng khí được vào trong phổi nhiều hơn nên Bé dễ chịu hơn, người ta cho rằng một đứa Bé được nút 2 giờ mỗi ngày mới thỏa ý muốn đó. Nhiều đứa Bé lại ưa nô giỡn một chút trước khi ngủ, ta cũng nên theo ý Bé nhưng cũng đừng nên lạm dụng, nếu chọc cho trẻ cười quá nhiều trẻ ngủ sẽ hay mơ và giật mình. Điều cần thiết là cha mẹ phải kiên nhẫn và bình tĩnh, Bé mất ngủ mấy bữa không can hệ gì vì Bé đã ngủ bù vào những giấc khác miễn là bé vẫn ăn, chơi và lớn đều là đủ.
Muốn cho Bé ngoan ngoãn đi ngủ thì buổi trưa sau khi ăn cơm xong nên cho Bé ngủ ngay. Buổi tối thì khó khăn hơn, nên cho Bé ngủ đúng giờ trừ trường hợp rất đặc biệt, như ngày sinh nhật của Bé, thì nên cho Bé biết đó là đặc ân một lần cho Bé đi ngủ trễ mà thôi. Đừng lôi kéo, la hét bắt Bé ngủ mà nên nhẹ nhàng ẵm bồng, nếu Bé còn nhỏ, hoặc dắt Bé vô phòng, đặt Bé vào giường, buông mùng và nói mấy lời khuyến khích âu yếm. Cũng có thể dỗ Bé ngủ bằng cách kể cho Bé nghe một câu chuyện thần tiên nhẹ nhàng và ngắn dành riêng cho trẻ. Đôi khi vì lo sợ đái dầm nên Bé khó ngủ và luôn luôn thức giấc đòi mẹ cho đi tiêu, nhưng khi dắt Bé vào cầu tiêu Bé chỉ đi được vài giọt rồi một lát sau lại đòi đi nứa. Nếu thấy như vậy, người Mẹ không nên cáu giận, la mắng trái lại phải dịu dàng hơn và giải nghĩa cho Bé biết rằng Bé cứ yên tâm mà ngủ, dù cho có đái dầm mẹ cũng không giận mà vẫn yêu Bé như thường, như vậy lâu dần Bé sẽ quen.
Bé ăn: Thường thì cỡ 6 tháng Bé đã biết sử dụng tay cầm miếng bánh, miếng táo cho vào miệng nhưng từ 12 đến 18 tháng ta nên tập cho Bé cầm muỗng để có thể ăn một mình.