Bé đi tiêu

Phân của trẻ bú sữa bò: Trẻ bú sữa bò thường đi tiêu ngày 3, 4 lần trong những ngày đầu rồi dần dần chỉ đi tiêu mỗi ngày 1 lần mà thôi. Đi nhiều lần hay ít hơn ta không nên quan tâm miễn là số lượng phân đi ra vừa phải, thường thì phân đặc sệt và màu vàng nhưng có đứa trẻ đi phân lổn nhổn như trứng khuấy (trứng bác) và có vẻ như có đàm nhớt. Nếu ta thấy không có triệu chứng gì khác và trẻ ăn ngủ bình thường, lớn đều thì chẳng có gì đáng ngại.
Phần đông trẻ bú sữa bò thường bị táo bón vì thế ta nên cho ăn thêm nước cam.
Phân có trạng thái khác thường: Nêu trẻ 3 ngày liên tiếp không đi cầu hoặc đi cầu rất khó khăn, phân vón cục, trẻ phải rặn nhiều là trẻ bị táo bón. Nếu trẻ 2 ngày mới đi cầu một lần nhưng phân vẫn ở trạng thái mềm , hoặc sền sệt thì không có gì đáng ngại. Trường hợp bị táo bón thật sự không nên cho trẻ sơ sinh dùng thuốc xổ, thuốc để vào hậu môn hoặc thụt rửa mà chỉ cần cho ăn thêm nước trái cam là sẽ nhuận trường.
Đối với trẻ nuôi bằng sữa bò, nên tập cho ăn nước cam ngay khi trẻ được một tuần lễ bằng cách cho ăn dần bắt đầu từ nửa muỗng cà phê nước cam tới nửa trái mỗi ngày. Không nên vắt ngay nước cam vào sữa vì chất chua trong nước cam sẽ làm sữa vón cục lại. Nên cho ăn riêng biệt vào lúc trước khi cho Bé tắm. Nên lựa thứ cam không quá chua, pha một phần nước cam với một phần nước chín vào bình cho trẻ bú. Nên nhớ phải lấy gạc lọc kỹ để tép cam không bít lỗ núm vú. Phần đông trẻ rất chịu nước cam, nếu thấy trẻ ói mửa phải ngưng ngay vì cơ thể trẻ đã không ưa và trong trường hợp này nên đến nhờ một vị Bác sĩ trị bệnh táo bón cho Bé. Trước khi vắt cam cũng nên rửa tay, rửa vỏ cam, sát trùng bình, núm vú và dao cắt cam cho sạch sẽ. Ngoài sự thông đại tiện, sinh tố C có trong trái cam còn rất cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ nữa.
Nếu trẻ đi cầu một ngày nhiều lần mà phân loãng như nước, có khi lợn cợn đàm nhớt, có vẩn máu, có bọt, màu xanh lá cây hoặc đen thì có thể nghi ngờ rằng trẻ bị trục trặc ở bộ phận tiêu hóa. Trong trường hợp này nên kiểm soát lại sự vệ sinh trong cách nuôi trẻ vì có thể là bình sữa, núm vú súc không sạch, sữa mở rồi để quá lâu, không đậy kỹ, nước đun chưa sôi hoặc cũng có đôi khi trẻ không chịu loại sữa đang dùng.